Số đông lo ngại khi đạo luật Internet trung lập không còn hiệu lực, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ lợi dụng tình thế để kiểm soát người dùng, tạo sự thiên vị cho những trang web con cưng và kiểm soát đường truyền của nhiều trang web khác.
Nhiều người lo ngại một thái cực mới sẽ hình thành như làn đường bên phải khi các nhà cung cấp Internet lợi dụng cơ hội để kinh doanh không lành mạnh
Mặc dù các công ty lớn như Google có thể trả tiền cho Comcast hay Spectrum để duy trì tốc độ truy cập dịch vụ nhưng vẫn còn đó, nhiều công ty nhỏ không có đủ nguồn lực chắc chắn sẽ đành chịu chết. Lúc này, họ chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc sống thoi thóp vì trang web của họ có thể bị chặn, hạn chế truy cập chỉ vì không có đủ tiền duy trì tốc độ đường truyền.
Cũng bởi vậy, tác động từ việc bãi bỏ đạo luật Internet trung lập dường như không chỉ ảnh hưởng riêng tới dân Mỹ mà còn liên quan tới tất cả người dân trên thế giới đang sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ.
Chủ tịch FCC, ông Ajit Pai đã chính thức thông qua tuyên bố bãi bỏ một số quy định Internet trung lập
Rõ ràng, nhiều nhà lập pháp và công tố viên liên bang không muốn điều này xảy ra. Sau quyết định của FCC, hàng loạt chính trị gia từ bang California, New York tới Washington đều đã đưa ra tuyên bố phản đối, đồng thời ủng hộ việc duy trì đạo luật Internet trung lập. Thậm chí nhiều chính trị gia còn đang lên kế hoạch khởi kiện FCC.
Việc thiết lập lên các quy tắc Internet trung lập vào năm 2015 tương đối đơn giản nhưng để đưa chúng quay trở lại vào thời điểm này sẽ cần tới một cuộc chiến pháp lý.
Thượng nghị sĩ bang California, Scott Wiener tuyên bố, ông đang soạn thảo một dự luật mới yêu cầu phải có Internet trung lập tại tiểu bang của ông. Theo đó, bang California sẽ điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu về Internet trung lập.
Trong khi đó, tổng chưởng lý New York, ông Eric T. Schneiderman khẳng định, tuyên bố của FCC là một cú sốc thực sự cho người dân New York và cũng là một "món quà Giáng sinh sớm" cho các nhà cung cấp Internet, bởi họ có thể kiếm lợi khi không còn bị đạo luật kiểm soát. Schneiderman đang lên kế hoạch khởi kiện FCC với hy vọng đưa đạo luật hồi sinh trở lại.
Schneiderman chia sẻ: "Đây không chỉ là một cuộc tấn công vào tương lai của mạng iIternet. Đó còn là một cuộc tấn công vào tất cả người dân New York và tiếng nói của người dân Mỹ trong Chính phủ - và chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại".
Tổng chưởng lý Washington, ông Bob Ferguson cũng góp một phần trong nhiều tuyên bố phản bác và chỉ trích FCC. Ông thậm chí đã gửi thư yêu cầu trì hoãn quyết định tới FCC nhưng có vẻ đã bị ngó lơ.
Ferguson cho rằng, việc thả cửa cho các ISP "tự tung tự tác" sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử hoặc phân biệt giai cấp ngay trên nền tảng Internet mở dành cho tất cả mọi người. Và đó là điều không thể chấp nhận được. Hành động của FCC sẽ gây hại nghiêm trọng cho người dùng, sự đổi mới và nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Internet trong tương lai có thể chỉ là sân chơi của những nhà cung cấp Internet và người dùng, doanh nghiệp sẽ là bên chịu thiệt
Trước thông tin trên, mặc dù các nhà cung cấp Internet băng thông rộng như AT&T, Comcast, Verzon,…hứa hẹn sẽ không chặn hoặc kiểm soát nội dung. Nhưng giới phân tích lo ngại rằng, họ có hàng tá ưu tiên nội dung tự phát triển hay liên kết với các đối tác nên sẽ dễ dàng lách luật.
Trang Wired lấy ví dụ, AT&T từng cho phép dịch vụ video streaming DirecTV Now của công ty có thể sử dụng vượt ngưỡng giới hạn dữ liệu của thuê bao. Tương tự, Verizon cũng thực hiện điều đó với Go90. Trong khi các đơn vị như Sling TV hoặc Netflix vẫn tính phí người dùng như thường. Như vậy rõ ràng sẽ tạo ra sự bất công.
Trang Futurismđã có dịp tìm hiểu quan điểm của nhiều chuyên gia và những người có tiếng nói trong lĩnh vực kinh doanh, truyền thông về quyết định bất ngờ của FCC.
Tất cả mọi người đều quy kết rằng, tuyên bố trên của FCC sẽ gây hại cho người tiêu dùng và làm lợi cho các ISP. Có thể hiểu lập luận của FCC khi cho rằng, việc loại bỏ đạo luật Internet trung lập sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty ISP, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng.
FCC phải chăng đang động chạm tới quyền lợi của tất cả người dân Mỹ và thế giới?
Tuy nhiên theo ý kiến của Florian Schaub, giáo sư bộ môn Thông tin thuộc trường ĐH. Michigan, Mỹ, suy luận đó không hề thiết thực và thậm chí hão huyền.
Florian Schaub khẳng định: "Quan điểm cho rằng, cạnh tranh giữa các ISP sẽ đảm bảo việc truy cập Internet rẻ hơn. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ mơ mộng của FCC vì hầu hết mọi bang tại Mỹ đều không có sự lựa chọn ISP mà họ mong muốn".
Với các công tố viên và thượng nghị sỹ liên bang, những người đã không thể can thiệp kịp thời kết quả bỏ phiếu của FCC tỏ ra rất thất vọng. Trang CNET tiết lộ, khi FCC bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật, cơ quan này cũng đã phân loại lại khái niệm Internet băng thông rộng giống như một "dịch vụ thông tin giữa các tiểu bang".
Điều này cũng có nghĩa, các nhà lập pháp tiểu bang sẽ khó có thể thể đưa ra các đạo luật mới nhằm cứu vãn Internet trung lập tại bang của họ. Nói cách khác, Internet băng thông rộng sẽ buộc phải tuân thủ theo một khuôn khổ thống nhất.
Giáo sư Blake Reid, thuộc trường ĐH. Colorado Boulder Law School tỏ ra quan ngại: "Nếu bước đi trên của FCC được chấp thuận, tôi lo ngại những tổn thất to lớn sẽ tác động lên các trụ cột kinh tế, công nghệ và dân chủ xã hội, những thứ về cơ bản được xây dựng dựa trên tính chất miễn phí và mở của Internet".
Tương lai của Internet trung lập vẫn sẽ phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Nhưng báo chí, tổ chức Demand Progress và nhiều nhóm hoạt động khác có thể là yếu tố quyết định không nhỏ tới phán quyết cuối cùng của Quốc hội Mỹ về việc bãi bỏ tuyên bố của FCC.
Tất cả nhóm hoạt động này đều gợi ý, Quốc hội Mỹ cần sớm đưa ra một nghị quyết chung và khuôn khổ pháp lý để chặn đường FCC. Nhưng điều này còn phụ thuộc khá nhiều vào sự đồng ý của Hạ viện, Thượng Viện và Tổng thống Mỹ. Nhưng bối cảnh bất lợi thay khi hầu hết số ghế trong Quốc hội Mỹ hiện đang thuộc về tay đảng Cộng Hòa với những người vốn hoài nghi về Internet trung lập từ lâu.
Bước đi bất ngờ của FCC chắc chắn sẽ thay đổi bộ mặt Internet của toàn nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Nếu không có những động thái phản đối hay kháng lại phán quyết trên, chúng ta có thể sớm thấy những thay đổi theo chiều hướng xấu đi trong tương lai.
" alt="Vì sao chúng ta nên lo ngại khi đạo luật Internet trung lập của Mỹ bị xóa bỏ?" width="90" height="59"/>