Trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có những con số đáng chú ý như: Gói giải ngân vốn kết cấu hạ tầng mới giải ngân 61%, Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động mới giải ngân 55,7%, Gói đào tạo dạy nghề được 37%, Gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được 3,05%.Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, sáng 25/5.
Lý giải về những con số chưa đạt được như kỳ vọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng nguyên nhân chủ quan xuất phát từ công tác cán bộ.
“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục” , ông Mạnh cho hay.
Nội dung này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Cần “tấm bùa hộ mệnh” cho cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trả lời PV VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những mặt tồn tại, hạn chế, trong đó đã ban hành Nghị định số 73 về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoà, chỉ quy định bằng văn bản dưới luật là chưa đủ. Ông đề xuất, cần luật hóa để những cán bộ làm việc có trách nhiệm, không tư lợi có thêm một “tấm bùa hộ mệnh” trong thực hiện nhiệm vụ.
“Các ngành, các cấp cần có nghiên cứu chuyên môn về luật hóa để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những cán bộ có tâm huyết với công việc thì tôi nghĩ rằng luật sẽ là tấm bùa hộ mệnh" , ông Hòa nói.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp: “Trong công việc, có làm thì có sai. Tuy nhiên, những cái sai đó phải xem xét từ nhiều khía cạnh, là yếu tố khách quan hay chủ quan? Phải xét ở nhiều khía cạnh để xử lý cho thỏa đáng”.
Liên quan đến việc một số cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị xử lý khi vướng các sai phạm thời gian qua, đại biểu Hòa chỉ ra nguyên nhân một phần là do cơ chế. Từ đó, ông cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về giải pháp để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa thể hiện chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Duy Hoàng)
“Tôi đề xuất sắp tới đây nên có văn bản chính thức kêu gọi những tổ chức, những cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị đó là nếu đã có sai phạm, làm chưa đúng, tự giác khai báo, hoàn trả lại số tiền mà mình thu nhập bất chính cho Nhà nước.
Việc nộp lạị sẽ được giữ bí mật và những cán bộ đó hoạt động bình thường. Còn nếu ai không tự giác khai báo, nếu bị cơ quan phát hiện là phải xử lý nghiêm, và xử đến nơi đến chốn, không có vùng cấm”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, những người mắc sai phạm mà chưa bị phát hiện sẽ có tâm trạng lo lắng, bất an, không dám nghĩ, dám làm khiến công việc bị ngừng trệ, chậm tiến độ; người bị kỷ luật, phê bình, cảnh cáo thì năng suất, chất lượng làm việc cũng không cao.
Đưa quan điểm “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại”, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp tin rằng: “Nếu có cơ hội sửa sai, những cán bộ đó sẽ làm quyết liệt và làm tốt hơn nữa”.
Vận dụng sáng tạo quy định của pháp luật
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 25/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu trước Quốc hội.
Ông cho rằng: “Thực trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã trở thành một nạn dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt giai đoạn 2022 - 2023. Điều này thực sự đau và thực sự buồn”.
Để ngăn chặn được nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Trí mong muốn các cấp Bộ, Đảng và chính quyền phải coi đó là tình trạng tiêu cực cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những ai có tinh thần dám làm, đặc biệt là viên chức nào dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Để khắc phục tình trạng cán bộ "xơ cứng", không dám hành động vì sợ sai như hiện nay, đồng thời khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội có một Nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ, được phép vận dụng quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).
Để thực hiện cơ chế này, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, trước khi thực hiện, cán bộ phải lập một kế hoạch hành động thực hiện, trong đó chỉ rõ lý do cần thiết vận dụng sáng tạo là gì so với quy định hiện hành. Cán bộ báo cáo kế hoạch này với cơ quan có thẩm quyền về cách làm và cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, phê duyệt kế hoạch cho phép được thực hiện. Đồng thời, cơ quan đã phê duyệt phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của người đề xuất để phát hiện và điều chỉnh kịp thời.
“Việc phê duyệt phải dựa trên cơ sở tính khả thi, phù hợp với thực tế và không trái với quy định “cấm” của pháp luật. Còn nếu cứ yêu cầu “tuân thủ quy định pháp luật” như hiện nay thì tất cả cái năng động, sáng tạo sẽ không bao giờ được phép chấp nhận” , ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đại biểu tin tưởng, với quy định như trên sẽ xóa bỏ được tình trạng e sợ, không dám hành động, đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản ý, lãnh đạo các cấp.
Duy Hoàng">