-Những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa công bố ngày 4/12 được đánh giá là nỗ lực để ngăn chặn tiêu cực và hướng tới việc học thực chất hơn. Tuy nhiên, đây đã là giải pháp căn cơ hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn tiếp tục xem xét.Cần "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"
Ông Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM nhìn nhận việc không sử dụng giáo viên địa phương nơi tổ chức thi để chấm thi, mã hóa bài thi hay việc lắp camera tại các phòng chấm thi, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm... sẽ hạn chế được gian lận thi cử ở địa phương.
|
Cơ quan công an đọc lệnh khởi tố gian lận thi cử ở Sơn La (Ảnh: Đoàn Bổng |
Tương tự TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng việc giao trường đại học chủ trì là cần thiết trước những gian lận kinh hoàng đã xảy ra trong kỳ thi năm 2018. Để trường đại học không coi thi, chấm thi của địa phương sẽ loại bỏ tính "cát cứ", loại bỏ sự quen biết nhờ vả và can thiệp của địa phương.
Tuy vậy cũng cần hết sức lưu ý về việc lựa chọn trường đại học có đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và uy tín, tránh tình trạng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", vì thực tế những gian lận vừa qua cho thấy liên đới cả nhân sự của trường đại học, chẳng hạn như như thanh tra chấm thi.
Đi sâu vào góp ý triển khai cho giải pháp "trường đại hoc chủ trì việc thi cử", ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thưc phẩm TP.HCM đề xuất: Khi tổ chức in sao đề thi, nên bố trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi "3 chung". Cụ thể, các trường đại học chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi bài thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi. Các điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện, tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có sự trộn danh sách thí sinh, tránh việc các em thi tại chỗ.
Ông Sơn nói rằng việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn và Bộ sẽ chủ trì như những năm còn thi "3 chung". Khi chấm trắc nghiệm, ngoài việc tăng cường công tác bảo mật thông qua biện pháp kỹ thuật thì việc chấm tập trung, điểm chấm gửi trực tiếp dữ liệu về Bộ để tổng hợp và trả kết quả về các Sở để tổng hợp là biện pháp an toàn khi bảo mật dữ liệu. Còn chấm bài tự luận thì khâu làm phách và bảo mật phách là quan trọng. Để các trường đại học chủ trì vấn đề này sẽ giải quyết được khả năng tiêu cực.
Đại diện từ phía địa phương, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho hay ông đồng ý với những cải tiến trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của kỳ thi.
Là người quản lý trực tiếp tại địa phương, theo ông Hùng, còn 2 khâu cũng rất cần quan tâm đặc biệt:
“Thứ nhất là khâu in sao đề thi. Khâu này được làm tại các địa phương và phạm vi khá rộng, trong khi các phương tiện truyền hình ảnh và dữ liệu rất tinh vi như hiện nay, nếu có người cố tình sai phạm chụp đề thi gửi ra ngoài thì rất khó phát hiện và hậu quả khôn lường. Thứ hai là khâu làm phách của bài tự luận cũng rất dễ bị lợi dụng. Đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý chặt chẽ hơn”.
Thay đổi trọng số điểm xét tốt nghiệp: Thúc đẩy học thực hay học nặng?
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có thay đổi là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
TS Tô Văn Phương nói rằng đáng lẽ nên thực hiện từ lâu để khắc phục cách nhìn nhận "liệu có cần thiết duy trì một kỳ thi khi tỷ lệ tốt nghiệp đến 98-99%".
Theo ông Phương, việc chia tỷ lệ cách tính điểm tốt nghiệp THPT cũng giống như ở giáo dục đại học hiện nay. Để đánh giá mỗi học phần, giảng viên thường có 2 cột điểm chính là điểm đánh giá quá trình học tập của sinh viên trong suốt học kỳ và điểm thi kết thúc học phần, trong đó điểm thi kết thúc học phần có trọng số lớn nhất, thông thường từ 60 - 80%.
Còn theo ông Phùng Quán do đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu là chương trình lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, nên việc tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT ít nhiều sẽ gây xáo trộn trong tâm lý của học sinh. Tuy nhiên, do công bố này mới chỉ là dự kiến của Bộ GD-ĐT, vì thế nên cần chờ đề thi minh hoạ cũng như quy chế thi THPT quốc gia 2019 để đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Qúy Đôn, TP.HCM, cho rằng việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 70% điểm thi; 30% học bạ lớp 12 có thể gây sốc cho học sinh, tuy nhiên về lâu dài đây là hướng tránh được tình trạng nâng điểm cục bộ trong trường phổ thông.
Vấn đề mà thầy trò phổ thông quan tâm hơn cả là chất lượng của đề thi.
Thầy giáo Phạm Thành Công (Trường THPT Chuyên Sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: Theo lộ trình Bộ đã công bố, năm 2018 nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ nội dung của đề thi THPT quốc gia 2018 thì chỉ có nội dung học kỳ 1 của năm học lớp 11 ở tất cả các đề. Vì vậy, Bộ công bố nội dung thi “chủ yếu là chương trình lớp 12” cho năm 2019 là một thuật ngữ mơ hồ. Ngoài ra, học kì 1 sắp sửa kết thúc, Bộ nên công bố thời điểm có đề minh họa cho thầy trò ôn tập tốt hơn".
Việc tăng tỉ lệ (lên tới 70% thay vì 50%) điểm bài thi và bớt tỷ lệ điểm học bạ cũng thúc đẩy quá trình học tập của học sinh tại trường để các em chuẩn bị ôn tập từ sớm, tránh tình trạng bị điểm liệt khi làm bài thi thật”.
Phân tích sâu hơn, thầy Công cho rằng điều chỉnh này còn góp phần tác động tới phân luồng sau THCS: Để vượt qua điểm liệt của các môn, với thí sinh có chủ ý thi đại học thì không mấy khó khăn. Áp lực sẽ rơi vào các thí sinh không thi đại học, chỉ xét tốt nghiệp. Điều này cũng giúp để không phải ai cũng có thể tốt nghiệp THPT, phân luồng giáo dục nghề nghiệp từ sớm ngay từ lúc tốt nghiệp THCS.
Một giáo viên của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định) cho hay những điểm mới mà Bộ công bố như giao trường ĐH chấm thi trắc nghiệm, tăng tỷ lệ 70% điểm thi THPT quốc gia để trong xét tốt nghiệp,... sẽ hạn chế những tiêu cực để việc học đi vào thực chất hơn.
“Có nghĩa là điểm bài thi giữ tỉ lệ cao hơn, quyết định quan trọng hơn đến việc đỗ tốt nghiệp. Như vậy hướng tới xét tốt nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào điểm học bạ, tránh được hiện tượng chạy hay xin điểm số”.
Tuy nhiên, cũng như thầy Công, giáo viên này cho rằng điều mà học sinh và giáo viên cũng cần thông tin nhưng Bộ lại không nói đến là về đề thi, giới hạn, ma trận, độ khó sẽ ra sao.
“Giáo viên và học sinh vẫn hoang mang về phạm vi ôn tập 3 khối quá rộng”.
Vẫn là giải pháp tình thế?
Thầy Du nói rằng công bố những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là hơi muộn do đã cuối học kỳ I. Việc thay đổi hơi đột ngột này sẽ không công bằng cho thí sinh năm nay và năm trước. "Nếu có thay đổi Bộ nên công bố từ đầu năm học để học sinh và giáo viên có sự chuẩn bị"- thầy Du kiến nghị.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho rằng những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 mới chỉ dừng lại ở yếu tố kỹ thuật, tương đối chặt chẽ, đảm bảo được tính khách quan. Điểm hay nhất là không cho đại học đóng tại địa phương coi thi tại địa phương. Để hoàn thiện hơn, Bộ GD-ĐT cần công bố các giải pháp về con nguời như việc tập huấn cho lực lượng tham gia kỳ thi, giám sát kỳ thi, vấn đề đạo đức công vụ chọn người chính xác, có phẩm chất đạo đức năng lực, trách nhiệm.
Về việc tăng tỷ lệ điểm thi THPT trong xét tốt nghiệp, ông Tài cho rằng tỷ lệ điểm 70-30 là giải pháp tình thế, hợp lý trong giai đoạn hiện nay, nhưng về lâu dài phải xem lại vì trọng số 50-50 vẫn có cơ sở, đứng về khía cạnh đánh giá cả quá trình học tập.
Lê Huyền - Thanh Hùng
Thi THPT quốc gia 2019: Trường đại học chấm thi, đặt camera giám sát
Đề thi THPT quốc gia năm 2019 chủ yếu ở chương trình lớp 12, đặt camera giám sát và tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là nội dung mà Bộ GD-ĐT thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
" alt=""/>Điều chỉnh thi THPT quốc gia 2019: Nỗ lực giảm tiêu cực, tăng học thực