Xây đường từ tiền phúng điếu của mẹ
'Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt',ùngtriệutiềnphúngviếngchamẹlàmđườngchodâý nhi 'Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi', là những dòng chữ trên bia ghi danh đặt trang trọng ở bốn tuyến đường tại xã Nghĩa Hiệp khiến chúng tôi tò mò.
Đây là 4 tuyến đường mà bà Bùi Thị Phong (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) - con gái của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi, đại diện gia đình đứng ra xây dựng.
Để ghi nhớ việc làm ý nghĩa của vợ chồng cụ Bùi Kiệt, chính quyền địa phương đã đặt 4 bia đá có khắc tên 2 vợ chồng cụ.
Tuyến đường bê tông được xây dựng bằng tiền phúng điếu của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi. |
Tìm đến nhà bà Phong- nhà giáo về hưu, chúng tôi thật sự bất ngờ trước căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Hỏi chuyện lấy tiền phúng điếu của cha mẹ làm thiện nguyện, bà Phong cười bảo: 'Đó là việc nên làm thôi mà'.
'Ai cũng thấy nhà tôi nghèo nhưng lại đứng ra xây đường bê tông cho dân. Số tiền xây 4 tuyến đường là tiền phúng viếng khi bố mẹ mất. Đó cũng là việc mà bố mẹ trước khi chết luôn nhắc nhở chúng tôi', bà Phong tâm sự.
Bà kể, bố mẹ bà sinh được 6 người con, kinh tế không khá giả. Nhưng mỗi khi đi trên con đường lầy lội, bố mẹ lại ước trúng được tờ vé số để làm cho quê hương những con đường sạch đẹp.
Trước lúc ra đi, mẹ bà Phong nắm tay con cháu bảo rằng, số tiền bà con hàng xóm láng giềng phúng viếng, các con hãy dành vào việc làm thiện nguyện.
Năm 2012, cụ Hồi mất, tiền phúng viếng được gần 280 triệu đồng. Một số tiền tương đối lớn vào thời điểm đó, tuy nhiên tất cả con cháu trong nhà thống nhất thực hiện di nguyện của mẹ.
'Sau khi đưa tang mẹ, 6 anh em nhà tôi họp và tất cả đồng ý dùng toàn bộ số tiền này để xây đường và làm từ thiện. Lúc ấy, mỗi người chia nhau mỗi việc, người thì lên kế hoạch xây đường, người tìm kiếm những nơi khó khăn cần sự giúp đỡ. Tất cả đồng lòng để cùng nhau thực hiện di nguyện của mẹ để lại', bà Phong nhớ lại.
Trong khi đó, cụ Bùi Kiệt lên UBND xã Nghĩa Hiệp xin được dùng số tiền phúng viếng vợ làm đường.
Sau khi được chính quyền chấp thuận, bà Phong đại diện gia đình làm đường bê tông dài 230m, rộng 2m, đạt chuẩn đường Nông thôn mới.
Ngoài ra, gia đình bà Phong dùng một ít tiền để mua trang thiết bị nhà văn hóa thôn Đông Mỹ, đóng góp trong các quỹ 'Người cao tuổi', 'Vì người nghèo', 'Khuyến học',…
Bà Bùi Thị Phong tự hào khi nói về việc xây đường từ tiền phúng viếng bố mẹ. |
3 tuyến đường mang tên cụ Bùi Kiệt
Đi trên tuyến đường bê tông được xây bởi tiền phúng viếng của vợ và thấy 2 tấm bảng khắc tên vợ ở đầu và cuối con đường, cụ Bùi Kiệt rất vui và tự hào.
Về nhà, cụ cũng căn dặn với các con: 'Sau này cha có chết, các con hãy dùng số tiền phúng viếng cha để làm y hệt mẹ các con vậy'.
Thời gian qua đi, sức khỏe cụ giảm sút nhanh chóng. Năm 2015 cụ Kiệt mất trong sự thương tiếc của người dân.
Đám tang ấm áp tình làng nghĩa xóm và rất nhiều người từ xa đến viếng. Số tiền phúng lên đến 380 triệu đồng.
Sau khi đám tang cụ Kiệt qua đi, bà Phong lại đại diện cho 6 anh em đứng ra thực hiện lời dặn của cha, dùng 380 triệu đồng tiền phúng viếng làm 3 tuyến đường bê tông hóa với tổng chiều dài 670m.
Đang ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng bà Phong vẫn dùng tiền phúng viếng xây đường theo tâm nguyện của bố mẹ. |
'Việc xây đường cũng nhỏ thôi nhưng tự hào lắm. Bố mẹ đã mất nhiều năm, người dân trong xã vẫn cứ truyền tai câu chuyện gia đình tôi dùng tiền phúng viếng xây đường', bà Phong tâm sự.
Trả lời câu hỏi: 'Gia đình không khá giả, sao bà không dùng số tiền đó để xây lại căn nhà mới?', bà Phong bảo: 'Nhà mình không khá giả gì, nhưng tiền tài thì bao nhiêu cho đủ. Làm cho bà con hàng xóm có cái đường để đi là gia đình tôi vui rồi'.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, gia đình cụ Bùi Kiệt và Lê Thị Hồi là gia đình có truyền thống cách mạng.
'Nhà chị Phong cũng không khá giả gì, nhưng việc gia đình chị lấy tiền phúng viếng của cha mẹ ra xây đường giúp dân đi lại rất đáng quý và trân trọng. Đây là hành động rất đẹp, là tấm gương sáng để tất cả mọi người noi theo', ông An nói.
Với việc làm ý nghĩa của gia đình cụ Bùi Kiệt, UBND xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa đã trao tặng nhiều giấy khen về việc góp phần xây dựng Nông thôn mới.
Năm 2018, bà Bùi Thị Phong đại diện cho gia đình còn được tỉnh cử đi dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc tại Hà Nội và được tuyên dương là Nữ anh hùng và Nữ điển hình tiêu biểu.
Người đàn ông Sài Gòn tặng cơ ngơi 100 tỷ, xây thêm nhà nuôi trẻ mồ côi
Từng dành tặng cơ ngơi trị giá trên 100 tỷ cho các bé mồ côi, nay ông Hiệp lại thế chấp toàn bộ gia sản lấy tiền xây thêm nhà nuôi trẻ.