- Tại toạ đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3,141… do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức, các diễn giả như GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình và PGS Phan Toàn Thắng (người phát minh việc tạo tế bào gốc từ dây rốn) đều cho rằng Toán học có liên quan mật thiết, có thể thay đổi nhiều vấn đề trong cuộc sống. |
Các diễn giả tại Tọa đàm giao lưu “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3,141… Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Trương Gia Bình chia sẻ, thực tế tập đoàn FPT cũng được xây dựng trên nguyên tắc của Toán học và ông nhìn thấy điều tương tự ở nước Mỹ.
Vị này cho rằng Toán học sẽ trở thành nền tảng quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghệ và Việt Nam không phải ngoại lệ.
“Thực sự trên thế giới này hỏi có đất nước nào mà Toán học được đón nhận như một bộ môn vua như Việt Nam, ít nhất là bản thân tôi không thấy. Và Toán học có thể đưa Việt Nam đến một vị trí hoàn toàn khác”.
Ông Bình cho hay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy và đánh giá cao tiềm lực nhân sự giỏi về Toán học ở Việt Nam. “Tôi từng gặp một tập đoàn lớn từ Hàn Quốc với quy mô 60 tỷ USD sang Việt Nam kí hợp đồng và chia sẻ vì họ biết rằng, Việt Nam có nhiều chuyên gia về Toán và muốn hợp tác. Điều họ rất tò mò và đặt câu hỏi là vì sao Việt Nam lại nhiều người giỏi Toán như vậy?”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng đề cập đến thực tế hiện nhiều tập đoàn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) sẵn sàng trả lương cao gấp nhiều lần để thu hút các tiến sĩ Toán trên thế giới với số lượng không hạn chế.
|
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh: Thanh Hùng. |
“Thế giới thay đổi một cách khủng khiếp và không thể tưởng tượng được lại nhanh như vậy. Một thế giới mà chúng ta không nhìn thấy được và tất cả đều dựa vào Toán. Thời của các bạn trẻ đã đến và cần phải suy nghĩ làm thế nào để kết nối Toán với vận mệnh của đất nước trong 10 đến 15 năm nữa. Nhiều tập đoàn muốn vào và làm nhiều cái đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam và đó chính là cơ hội. Họ đến với Việt Nam bởi hy vọng vào nguồn nhân lực Toán học của chúng ta và sự cởi mở để triển khai”, ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS Phan Toàn Thắng cho rằng, các bạn trẻ có nhiều cơ hội khi đứng trước sự thay đổi nền công nghiệp của toàn thế giới.
“Hiện nay công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đọc được các chẩn đoán hình ảnh hay giải phẫu bệnh lý. Như vậy giờ đây có thể không cần đến bác sĩ mà máy cũng có thể đọc được. Ngay ở trong ngành chúng tôi nhận thấy một lượng bác sĩ về chẩn đoán hình ảnh và chẩn đoán giải phẫu bệnh lý có thể mất việc trong tương lai vì máy móc có thể làm được”, ông Thắng dẫn chứng.
Do đó, ông Thắng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn thấy và đón đầu sự chuyển biến của thời đại khởi nguồn cuộc cách mạng với nền tảng Toán học và trở thành trung tâm về số liệu của thế giới.
|
PGS Phan Toàn Thắng. Ảnh: Thanh Hùng. |
Về điều này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, Việt Nam cũng từng có một Bộ trưởng nhìn thấy rất rõ tầm quan trọng của Toán và định hướng mạnh vào phát triển Toán học là Tạ Quang Bửu. “Hiếm có nước nào trên thế giới có một Bộ trưởng nào yêu Toán học đến mức như Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Tấm gương của ông về tình yêu, sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học là hình ảnh mẫu mực cho các nhà Toán học Việt Nam bây giờ”.
Các nhà Toán học cần thực dụng hơn?
Đánh giá các sự thông minh, tuy nhiên ông Thắng góp ý các nhà Toán học Việt Nam nên có sự thay đổi là cần thực dụng hơn, tức là phải làm thế nào để ra tiền.
“Bản thân thành công của tôi cũng nhờ việc này. Khi làm công nghệ tế bào gốc, trong chương trình nghiên cứu tôi làm rất nhiều thứ liên quan như nội tạng nhân tạo,… Chúng tôi đã làm ra những sản phẩm rất đơn giản nhưng hiệu quả về kinh tế như sản phẩm dưỡng da bằng tế bào gốc và dùng số tiền thu được để đầu tư vào nghiên cứu”, ông Thắng dẫn chứng.
Ông Thắng cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả mà các nhà Toán học có thể khai thác là “đứng trên vai người khổng lồ” bằng cách tìm những doanh nghiệp có mạng lưới quan hệ, kết nối với các doanh nghiệp quốc tế để bán các sản phẩm của mình và có tiền để đầu tư tái nghiên cứu.
GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận Việt Nam đã có sự đầu tư cho Toán học, như chương trình trọng điểm phát triển Toán học quốc gia giai đoạn 2010 - 2020,… hay có nhiều khởi sắc đáng kể trong việc dạy, học và nghiên cứu về Toán.
|
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Thanh Hùng. |
“Một mảng chúng ta làm tương đối tốt là nghiên cứu khoa học, việc dạy và học Toán có nhiều trường lớp và thành tích học có sự cải thiện không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Tuy nhiên có một mảng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi, kì vọng là ứng dụng Toán học trong việc phát triển thay đổi phương thức sản xuất, tiến bộ kinh tế,...”
GS Châu cho rằng đây cũng là điều mà cá nhân ông vẫn coi là một trách nhiệm lớn cần phải suy nghĩ.
“Trước nay động lực của chúng ta hầu hết chỉ là những tri thức mới chứ không hướng đến mục đích kinh tế liên quan trực tiếp đến xã hội. Tôi cũng rất mong nhận được sự những sự tư vấn, hỗ trợ của mọi người”.
Ông Trương Gia Bình dẫn chứng thêm bài học kinh nghiệm của Nhà Trắng về chính sách phát triển khoa học công nghệ.
“Họ làm khá đơn giản khi đầu tiên cùng với các nhà khoa học đầu đàn quốc gia và đặt ra các thứ tự ưu tiên nghiên cứu như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robotics, vật liệu nano,…Việc xác định ngân sách chi cho việc đó cực kỳ đơn giản, các nhà khoa học làm xong đề án nếu được một số người có tiếng nói trong ngành xác nhận thì sẽ được cấp tiền.
GS Ngô Bảo Châu cùng các diễn giả đều cho rằng chỉ khi có một niềm đam mê, tình yêu lớn dành cho Toán học, các bạn trẻ mới có thể khám phá đến tận cùng sức mạnh của Toán trong cuộc sống.
Thanh Hùng
">