Song, nếu áp dụng ngay với các trang trại chăn nuôi lợn và bò ở nước ta thì chưa phù hợp. Ông Dương cho biết, mới đây, hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính; nếu làm thì theo hướng tự nguyện, không bắt buộc.
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này, tốn kém khoản chi phí rất lớn.
Chỉ riêng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, mỗi trang trại phải chi từ 100-150 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, hầu hết trang trại ở nước ta chưa thể thực hiện tự kiểm kê vì quá phức tạp.
Chưa kể, các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê còn phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm hoặc phải mua tín chỉ carbon bù vào. Như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính, nhưng theo lộ trình từ lúc yêu cầu đến khi bắt buộc thực hiện là 5 năm.
Ở nước ta, ông Dương cũng kiến nghị nên có lộ trình để các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi có thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trước tiên cần hiểu thực trạng và xây dựng được lộ trình cụ thể cho ngành chăn nuôi. Cùng với đó, làm rõ phương pháp đo, xác định các tổ chức có khả năng công nhận. Ngoài ra, với các doanh nghiệp, hiệp hội, cần tiên phong và có thể chia sẻ được kinh nghiệm trong triển khai kiểm kê khí nhà kính. Một số quốc gia đã và đang phát triển các dự án carbon cho lĩnh vực chăn nuôi. Đơn cử, tại Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã phát triển và đăng ký thành công các dự án tín chỉ carbon cho các cơ sở chăn nuôi của họ. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi của Việt Nam có thể phát triển dự án giảm phát thải, tăng nguồn thu và hướng đến phát triển bền vững, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. |