Có lẽ, chưa bao giờ Hà Nội nhiều âm nhạc đến thế... Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu của một tuần lễ âm nhạc đầy say mê; mở màn một cuộc chạy show của những người nghe nhạc khi họ cảm nhận thấy “tiếng thở” của Hà Nội trong lòng những con phố di sản. Có lẽ, chưa bao giờ Hà Nội nhiều âm nhạc đến thế và khán giả cũng chưa bao giờ “no nê” trong bữa tiệc của những thanh âm và giai điệu đến như vậy.
Khán giả cũng phải… chạy show phố Hàng nhạc
Có lẽ điều tiếc nuối nhất của không ít khán giả (trong đó có tôi) là việc bỏ lỡ một trong những đêm diễn thuộc phố Hàng nhạc, nhất là đêm mở mànMonsoon Music Festival ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Một người bạn đi xem về kể lại, với sự thích thú khi lắng nghe những nghệ sĩ indie, underground trẻ trình diễn vô cùng hứng khởi trên sân khấu hôm ấy.
Nhưng cả tuần lễ âm nhạc sau đó của Monsoon mới thực là một cuộc “hội hè miên man”. Có một sự hoán đổi kỳ lạ ở đây, khi người chạy show không chỉ/phải là nghệ sĩ mà còn là khán giả. Và đó đích thực là một cuộc chạy show vô cùng thú vị. Đó cũng là lần đầu tiên khai sinh ra phố Hàng nhạc với rất nhiều đêm diễn cùng hàng chục nghệ sĩ, hàng trăm phần biểu diễn lôi cuốn.
Nhiều khán giả có thể tự hào khi tham gia được 5 show, từ quán bar ra khán phòng của một trường đại học; hay từ Nhà di sản này (22 Hàng Buồm) đến Nhà di sản khác (50 Đào Duy Từ). Cả một tuần lễ, bên trong các con phố cổ là những câu chuyện và tình yêu âm nhạc. Đó là những đêm diễn không gì khác ngoài việc để tất cả mọi người có mặt sống trong bầu không khí của âm nhạc, của văn hoá.
Những đêm diễn không gì khác ngoài việc để tất cả mọi người có mặt sống trong bầu không khí của âm nhạc, của văn hoá. Những nghệ sĩ trẻ như The Cassette, Mèow Lạc, Những Đứa Trẻ, Minh Tốc và Lam, 2!Much, Lime Box, Jazz Duyên, Lope Dope, Quyếch… và nhiều hơn thế nữa đã tạo ra một “khí quyển" âm nhạc dành cho chính họ và khán giả trẻ.
Bên cạnh một thế hệ nghệ sĩ mới toả sáng là một thế hệ nghe nhạc mới và cũng cần được hình thành văn hoá như vậy. Sự song hành này thực ra mới là điều thành công nhất mà Monsoon và phố Hàng nhạc làm được. Bởi trong hàng trăm khán giả nghe nhạc bước vào một buổi biểu diễn, có những người không thể biết được sự tuyệt vời nếu họ không “tấp vào” một đêm nhạc giống như một cặp đôi đứng sau lưng tôi vừa nhún nhảy theo nhạc vừa trò chuyện rất khẽ.
Thăng Long Thành Hội - Đặc sản của Monsoon
Nếu những đêm nhạc ở các di sản ở phố cổ tạo ra một bầu không khí thưởng thức âm nhạc và văn hoá đậm chất Hà Nội thì hai đêm diễn ở Hoàng Thành Thăng Long đã là một nét văn hoá. Không có mấy lễ hội âm nhạc tại Việt Nam mà người nghe nhạc có thể ngồi xuống thảm cỏ, duỗi chân và reo hò hay lắc lư theo những phần trình diễn. Họ tự do trong không gian đó, để âm nhạc và tình yêu ngấm vào người. Những cặp đôi đứng dựa vào nhau, có những gia đình trải bạt ra cho con trẻ được nhún nhảy…
Không chỉ là một lễ hội âm nhạc với chất lượng âm thanh tốt, Monsoon chính là bầu không khí và tính văn hoá mà một lễ hội âm nhạc có thể tạo ra. Chỉ khi đứng giữa Hoàng Thành Thăng Long, trải nghiệm bầu không khí đó bạn mới biết rằng nhạc sĩ Quốc Trung đã đúng. Bởi Monsoon thực sự là một tiểu văn hoá, hoà quyện giữa cả chất lượng nghệ thuật và thói quen của công chúng. Rõ ràng Monsoon không có một dàn nghệ sĩ ngôi sao, những gương mặt thu hút để bán vé hay “chào mời” khán giả.
Nhưng thứ Monsoon có chính là những nghệ sĩ và phần trình diễn mà không có một lễ hội âm nhạc ở Việt Nam có được. Đối với các khán giả mới, hẳn họ còn đôi chút ngần ngại tham gia Monsoon. Song với những khán giả quen thuộc, Monsoon tạo ra dư vị riêng.
Một ban nhạc trẻ như Mongdoll (Hàn Quốc) lại có những tiết mục mở màn mới mẻ và say mê như thế. Họ có thể lôi kéo khán giả với cách chơi nhạc hào hứng. Bộ đôi nghệ sĩ người Pháp Fergessen gần như xa lạ với khán giả Việt nhưng người tham gia vẫn nhún nhảy, hò reo, vỗ tay… Hay ban nhạc đến từ Đài Loan, Sunset Rollercoaster kết thúc đêm đầu tiên với một set diễn đầy cảm xúc mà đến nỗi, khán giả muốn… xin thêm.
Phần trình diễn kéo dài 90 phút, kỷ niệm 10 năm của ban nhạc Ngọt ở đêm thứ hai cũng được khán giả… xin thêm. Ngọt , tất nhiên đã kể lại hành trình 10 năm bằng thứ âm nhạc lôi cuốn, bởi chất thành thị và bằng nỗi suy tư của người trẻ đồng điệu với người trẻ. Họ cũng sẵn sàng hát tặng thêm cho khán giả dù set diễn đã hết.
Line-up của Monsoon không nhiều nghệ sĩ, họ cũng không đại chúng nhưng bao giờ cũng độc đáo, khác biệt và nhiều năng lượng. Các nghệ sĩ quốc tế như Lydmor, Forgotten Future hay sự trở lại lần thứ 2 của GoodLuck tại Monsoon vẫn là những set diễn thực sự hấp dẫn. Những nghệ sĩ xa lạ kết nối với người nghe nhạc không bởi danh tiếng hay bài hít mà bởi chính sự hân hoan của âm nhạc.
Một số nghệ sĩ Việt Nam như Bức Tường, Vũ., Suboi cũng có set diễn ấn tượng trong mắt khán giả. Như lời rapper Suboi chia sẻ giữa những phần trình diễn, Monsoon luôn là một điều gì đó rất đặc biệt. Chính bản thân Suboi còn so sánh với lễ hội âm nhạc lớn SXSW tại Mỹ cô từng tham gia. Nó không chỉ là một lễ hội âm nhạc với chất lượng âm thanh tốt, cách tổ chức tiêu chuẩn quốc tế mà chính là bầu không khí và tính văn hoá mà một lễ hội âm nhạc có thể tạo ra.
Nếu phố âm nhạc “khuếch đại" những tình yêu âm nhạc giữa lòng di sản phố cổ thì việc hai đêm diễn chính tại Hoàng Thành Thăng Long lại là một kết nối di sản khác. Còn gì tuyệt vời hơn khi bồi đắp văn hoá của ngày hôm nay giữa một không gian di sản như nơi đây.
Ngọc Mai
Nhạc sĩ Quốc Trung 'gửi' thanh âm Tây Bắc về Hà Nội'The Field of Heritage - Cánh đồng di sản' tái hiện vẻ đẹp của miền núi Tây Bắc, đồng thời khắc họa những vấn đề về di cư của các dân tộc thiểu số nơi đây." alt="Monsoon Music Festival" width="90" height="59"/>