-Sống chung với quy hoạch ‘treo’ hàng chục năm là nỗi khổ của hàng trăm ngàn hộ dân đất Sài Gòn. Tuy nhiên,ânSàiGòntừngngàychờthoátnạnquyhoạthê thao 24h với những động thái quyết liệt mới đây của chính quyền thành phố, tình trạng này đang từng bước được cải thiện.
Quyền lợi người dân được khôi phục
Thời gian qua, tình trạng người dân trên địa bàn TP.HCM có đất nhưng không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… do vướng quy hoạch “treo” đã xảy ra ở nhiều quận huyện.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện nay thành phố còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã án binh bất động hơn 20 năm.
Đơn cử như dự án Khu đô thị Đại học quốc tế tại huyện Hóc Môn (quy mô 900ha); dự án Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi (450ha); Khu dân cư Tân Tạo và khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng ở huyện Bình Chánh (gần 500ha)... Việc chậm hoặc chưa triển khai các dự án này đã ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn hộ dân thành phố.
Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.HCM đã chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch của 23 quận huyện. Theo đó, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường xử lý theo hướng, dự án nào chậm triển khai có lý do chính đáng, thì được thẩm định lại, rà soát hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc. Dự án nào kéo dài nhưng không khả thi, gây ảnh hưởng tới người dân sẽ bị thu hồi, xóa bỏ hoặc nghiên cứu điều chỉnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch sẽ giúp TP.HCM tiến tới giảm lộ giới nhiều tuyến đường dự phóng đã “treo” hàng chục năm nay, nhiều khu vực quy hoạch chỉnh trang đô thị sẽ thành đất ở.
Không những vậy, việc TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cũng giải tỏa được bức xúc của người dân trong nhiều năm qua. Các quyền lợi chính đáng về nhà, đất của người dân được khôi phục. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, công viên, cây xanh… cũng sẽ được đầu tư xây dựng và nâng cấp để cải thiện chất lượng sống của người dân trong khu vực.
Hàng loạt dự án “treo” bị xóa sổ
Cuối tháng 2/2017 vừa qua, hai đại dự án ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh “treo” gần 20 năm nay đã được UBND TP.HCM chấp thuận xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng. Đó là dự án khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B trong khu đô thị Nam TP.HCM. Hai dự án này có tổng quy mô lên đến gần 70ha.
Ngoài hai dự án trên, địa bàn huyện Bình Chánh cũng còn một số dự án “treo” nhiều năm và không còn khả năng triển khai như dự án khu dân cư Thăng Long (37ha), khu chức năng 11A (59 ha)… Để giải quyết những dự án này, huyện Bình Chánh và Ban Quản lý khu Nam đã kiến nghị TP cho phép điều chỉnh quy hoạch và tiến hành chỉnh trang để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Giữa tháng 3/2017, hàng loạt lô đất, tuyến đường tại quận Tân Phú đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phù hợp với hiện trạng thực tế. Trong số này, hầu hết là các ô phố được quy hoạch đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng, đất giáo dục, đất hỗn hợp, thương mại dịch vụ và đường giao thông.
Tương tự, tại huyện Nhà Bè, vừa qua, khu dân cư ấp 4 cũng được điều chỉnh từ đất chung cư cao tầng sang đất dân cư thấp tầng.
Trước đó, do không thể triển khai xây dựng, UBND TP.HCM đã quyết định thu hồi 3 dự án quy hoạch khu công nghiệp là Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) và Bàu Đưng (huyện Củ Chi) thành điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp.
Gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường cho dân
Những động thái mới đây của UBND TP.HCM giải quyết phần nào quy hoạch “treo” kéo dài, tuy nhiên Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, quy trình điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch, hiện còn rất chậm, nhanh nhất cũng phải mất 1 năm. Trong khi đó, đối với các đồ án quy hoạch được lập từ 10 năm trở lên, muốn điều chỉnh hay xóa phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Theo Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP.HCM, chính quyền TP cần triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn. Bởi lẽ, hiện tại, Nhà nước chưa thật sự coi trọng lợi ích của người dân trong khu quy hoạch và chính quyền không sốt ruột khi quy hoạch chậm thực hiện. Tuy nhiên, cái gì gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường cho dân, như vậy mới giữ vững được quy hoạch.
“Trước hết TP.HCM phải coi trọng lợi ích của người dân có liên quan. Đã quy hoạch thì phải tổ chức bồi thường ngay. Không bồi thường thì phải có sự hoán đổi để tạo thuận lợi cho dân. Trách nhiệm của Nhà nước là phải lo kinh phí, không thể nói với người dân là không có kinh phí mà buộc dân phải sống trong cảnh quy hoạch “treo”. Nhà nước phải quyết tâm, quyết liệt, phải làm cho dân hiểu xây dựng đô thị phải có đóng góp của người dân, có như vậy mới đáp ứng được mong mỏi của hàng triệu người dân”, Tiến sỹ Võ Kim Cương, chia sẻ.
Diệu Thủy