7 quan niệm sai lầm về máy ảnh và camera smartphone
Câu ngạn ngữ "máy ảnh chỉ tốt bằng người thợ ảnh" cũng có phần không chính xác. Những chiếc máy ảnh cao cấp phù hợp với khung hình có thể giúp bạn thu lại những khoảnh khắc "nhiệm màu" một cách dễ dàng hơn,ệmsailầmvềmáyảnhvàbóng đá vn đẹp đẽ hơn.
Trong khi chỉ duy nhất bản thân bạn mới có thể nâng cao tay nghề chụp ảnh cho chính mình, chúng ta sẽ cùng loại bỏ những suy nghĩ sai lầm nhưng lại phổ biến về những chiếc máy ảnh hiện đại.
1. Nikon tốt hơn Canon, Canon tốt hơn Nikon, thương hiệu X tốt hơn Y...
Bạn khó có thể so sánh 2 thương hiệu máy ảnh cao cấp cùng nhau một cách chính xác. Trước hết, trên lĩnh vực máy compact, Canon và Nikon chỉ là 2 trong số rất nhiều thương hiệu đình đám như Sony, Pentax, Fujifilm v...v... Canon và Nikon có thể áp đảo thị trường DSLR cao cấp, song trên thị trường compact thì không ai có thể khẳng định máy du lịch của Canon tốt hơn máy full-frame của Sony cả.
Sự thật là, ở phân khúc thấp nhất của thị trường, các sản phẩm từ các thương hiệu lớn cũng không có sự khác biệt đáng kể.
Tiếp đó, trên thị trường DSLR, bạn không thể chỉ so sánh thân máy (body) cùng nhau, bởi ống kính hay phụ kiện flash cũng có thể làm nên sự khác biệt lớn. Nếu như bạn chỉ muốn so sánh về body, thì ngay cả các sản phẩm trên cùng một tầm giá đến từ Canon, Nikon hay một thương hiệu nào khác cũng không hề vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh khi xét tới tính năng hay chất lượng ảnh chụp.
Các cuộc chiến thương hiệu vẫn mang màu sắc marketing nhiều hơn là màu sắc thực tế. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng cả Canon lẫn Nikon, và những bức ảnh đẹp có thể đến từ bất kỳ một thương hiệu nào.
Nói một cách chính xác nhất, thương hiệu chỉ là một yếu tố nhỏ trong hành trình đi tìm chiếc máy ảnh phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của bạn. Hãy hỏi ý kiến những người đi trước, hãy tìm hiểu thông tin trên mạng và quan trọng nhất là hãy trực tiếp cầm máy lên tay để thử nghiệm các tính năng. Đến lúc đó thì quyết định đứng về "phe" Canon hay "phe" Nikon mới là có ý nghĩa.
2. Càng nhiều megapixel chất lượng ảnh càng tuyệt vời
Nếu số "chấm" đại diện cho tất cả thì có lẽ chiếc Lumia 1020 của Nokia đã vượt mặt nhiều dòng DSLR cao cấp.
Những người có hiểu biết về máy ảnh chắc chắn cũng sẽ hiểu rằng số lượng megapixel không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng ảnh chụp. Đáng tiếc là các nhà sản xuất lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng bằng cách sử dụng con số tương đối dễ hiểu này để "dẫn dắt" người tiêu dùng tin rằng cách tốt nhất để chụp được những bức ảnh đẹp hơn là bỏ tiền ra mua những chiếc máy ảnh/smartphone có số "chấm" cao hơn.
Trong thực tế, các thiết bị chụp ảnh phổ thông chỉ cần từ 5 – 10 megapixel. Phần lớn các bức ảnh mà bạn sẽ chụp cũng sẽ chỉ được đăng tải lên các mạng xã hội như Facebook và Instagram, do đó các bức ảnh có độ phân giải dưới 10 megapixel cũng sẽ giúp bạn chia sẻ ảnh một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn nhờ có kích cỡ không quá lớn. Thậm chí, bạn cũng có thể mang in các bức ảnh số có độ phân giải dưới 10MP lên giấy ảnh kích cỡ từ 10 x 15 đến 20 x 30 cm mà không cần lo lắng gì cả.
Thực tế thì máy ảnh full-frame luôn có chất lượng ảnh tuyệt vời nhất.
Thay vì quá tập trung vào megapixel, người dùng nên tập trung vào các yếu tố có thể là hơi khó hiểu hơn một chút và cũng không được các nhà sản xuất đem ra quảng bá, bao gồm:
- Cảm biến: Cảm biến số có vai trò thay thế cho phim ảnh trong thời đại mới. Khi bạn nhấn cò, cảm biến máy ảnh sẽ thu lại ánh sáng đang phản chiếu trên bề mặt. Cảm biến tốt hơn (kích cỡ lớn hơn) sẽ chụp lại những bức ảnh có màu sắc chính xác hơn.
- Vi xử lý tín hiệu hình ảnh: Nếu bạn chụp ảnh RAW thì vi xử lý này sẽ không quá quan trọng, nhưng với JPEG thì vi xử lý này sẽ giúp cho bạn có thể chụp ảnh đẹp trong nhiều điều kiện sáng khác nhau, bao gồm cả các tùy chỉnh được cài đặt sẵn cho điều kiện thiếu sáng, sự kiện thể thao hay các môi trường chụp mang tính thử thách khác. Ngoài ra, vi xử lý tín hiệu hình ảnh tốt hơn cũng sẽ giúp bạn có thể chụp được nhiều bức ảnh liên tiếp cùng lúc hơn.
3. PPI và DPI là một
Bạn sẽ thấy rất nhiều người không phân biệt được hai thông số này, nhưng PPI (Pixels Per Inch – số điểm ảnh/inch) là chỉ số chỉ mật độ điểm ảnh trên cảm biến hoặc màn hình vi tính, còn DPI (Dots Per Inch – số chấm mực/inch) lại là con số chỉ mật độ điểm ảnh mà máy in có thể đạt được.
Ví dụ, giả sử bạn đang dùng camera 5MP. Độ phân giải tối đa của ảnh chụp từ chiếc máy ảnh này sẽ là 2592 pixel (chiều ngang) x 1944 pixel (chiều dọc). Giả sử bạn đang xem bức ảnh thu được bằng màn hình có độ sắc nét là 72 PPI, bức ảnh mà bạn nhìn thấy trên màn hình sẽ có kích cỡ là 36 x 27 inch. Trên các loại màn hình có chỉ số PPI cao hơn, hình ảnh thực tế mà bạn nhìn thấy sẽ có kích cỡ nhỏ hơn.
Chỉ số DPI đại diện cho số chấm mà kim máy in có thể in trên mỗi inch. Để đạt được chất lượng ảnh in tuyệt vời, một chiếc máy in sẽ phải có mức DPI từ 300 trở lên. Vẫn cùng một bức ảnh 2952 x 1944 nói trên, với một chiếc máy in 324 DPI bạn sẽ in được một tấm hình có kích cỡ 8 x 6 inch (tức khoảng 20 x 15 cm). Nếu chọn giấy ảnh có kích cỡ lớn hơn, bạn sẽ gặp hiện tượng mờ hình khi in.
4. Zoom càng to càng tốt
Điều đầu tiên bạn cần biết về tính năng zoom là sự khác biệt giữa zoom quang học (optical zoom) và zoom số. Zoom quang học là zoom "thực thụ" do máy ảnh di chuyển các thấu kính và thay đổi tiêu cự để bạn có thể nhìn thấy các vật thể ở xa hơn. Khi mua máy ảnh, bạn cần để ý tới chỉ số zoom quang học (optical zoom).
Trái lại, zoom số không hề sử dụng ống kính. Tính năng zoom số sẽ chỉ phóng to hình ảnh thu nhận được từ ống kính trên màn hình LCD. Tất cả các tính năng zoom số đều sẽ làm nhiễu hình ảnh bởi các điểm ảnh sẽ bị "phóng to" thiếu tự nhiên.
Máy ảnh DSLR không hỗ trợ (và cũng không cần tới) zoom số, do đó bạn chỉ cần lưu ý tới sự khác biệt giữa zoom số và zoom quang học khi mua máy point-and-shoot phổ thông. Hãy nhớ rằng thông số zoom số hoàn toàn không có bất kỳ ý nghĩa nào cả, bởi thực chất bạn đem crop hình rồi in ra thì cũng sẽ nhận được kết quả tương tự như zoom số.
5. RAW tốt hơn JPEG
Bạn cần phải lưu ý rằng JPEG là một định dạng file, còn RAW thì không. Ý nghĩa của cái tên "RAW" (thô sơ, sống) là bởi các bức ảnh RAW chưa được xử lý và do đó cũng chưa thể mang in trực tiếp hoặc đăng tải lên các trang chia sẻ. Hãy coi RAW là một dạng phim âm bản nhưng được lưu dưới dạng bit. Bạn sẽ cần một vài phần mềm đặc biệt để xem (và xử lý) ảnh RAW, trong khi bất kỳ thiết bị số nào có tính năng xem ảnh cũng đều có thể xem ảnh JPEG.
Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh RAW là để giữ lại lượng dữ liệu tối đa từ cảm biến trên máy ảnh, bởi quá trình nén JPEG ngay trên máy ảnh cũng sẽ làm đi một lượng dữ liệu tương đối. Chụp ảnh RAW và xử lý trên máy tính sẽ cho phép người chụp có thể tự tay chỉnh sửa ảnh sau khi chụp. Với trường hợp chụp ảnh thiếu sáng, bạn chỉ có thể "cứu" ảnh nếu đã chụp RAW.
Tuy vậy, chụp ảnh RAW sẽ nhanh chóng làm đầy bộ nhớ đệm của máy ảnh, khiến bạn có thể để lỡ một vài khung hình quý giá trong lúc đang chụp liên tiếp. Không phải nhiếp ảnh gia nào cũng muốn bỏ thời gian để tự xử lý ảnh RAW, đặc biệt là nếu như máy ảnh có chất lượng chụp JPEG tốt. Do đó, lựa chọn chụp ảnh RAW hay JPEG sẽ tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của mỗi người.
6. Bạn thực sự cần phải mua một chiếc DSLR
Thị trường ngày nay có rất nhiều tùy chọn máy compact cho chất lượng tuyệt vời.
Đừng hiểu nhầm những gì chúng tôi đang nói: so với DSLR thì smartphone, tablet hay máy ảnh du lịch đều không thể sánh kịp về chất lượng hình ảnh. Dù vậy nhưng trong thực tế thì phần lớn người dùng thông thường sẽ không cần một chiếc DSLR.
Công nghệ camera ngày nay đã tiến đủ xa để ngay cả ảnh chụp từ smartphone cũng đủ chất lượng để mang đi in. Đó là còn chưa kể tới các tính năng khác mà smartphone vượt trội hơn DSLR, ví dụ như chia sẻ ảnh trực tiếp lên mạng xã hội một cách nhanh chóng, tiện lợi – vốn đang là nhu cầu của phần đông người tiêu dùng hiện nay. Bạn thậm chí còn không cần phải mua máy compact để phục vụ cho các nhu cầu "bình dân" này.
Một chiếc máy compact tốt sẽ càng "phủ sóng" thêm nhiều tình huống sử dụng hơn nữa với chất lượng ảnh tốt hơn smartphone ở mức giá khá dễ chịu. Trái lại, DSLR cao cấp thường có giá khá đắt và do đó chưa chắc đã xứng với khoản tiền bạn bỏ ra, nhất là trong trường hợp bạn không thực sự đam mê nhiếp ảnh và không đầu tư nhiều thời gian vào tìm hiểu, sử dụng máy ảnh. Thế mạnh lớn nhất của DSLR là những chiếc máy ảnh này cho bạn nhiều tùy chọn về ống kính, chế độ chụp (khẩu độ, cửa trập...), kính lọc màu, đèn flash và các loại phụ kiện khác. Nếu như bạn không định dành thời gian để học cách sử dụng các lựa chọn này một cách chính xác, bạn không nên mua một chiếc DSLR làm gì cả.
7. Nếu mua DSLR thì hãy mua thân máy cao cấp nhất trong khoảng kinh phí của bạn
Nhiều người cho rằng việc dành một khoản tiền tối đa vào thân máy sẽ giúp tiết kiệm kinh phí trong tương lai cho bạn, bởi bạn sẽ chỉ cần mua thêm ống kính và các phụ kiện khác để sử dụng cùng thân máy cao cấp của mình.
Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, bởi trong toàn bộ chiếc DSLR thì chỉ duy nhất ống kính (lens) là có thể sử dụng được. Khi bạn mua thân máy mới, rất có thể ống lens cũ của bạn sẽ tương thích với thân máy mới nếu như bạn vẫn lựa chọn cùng một nhãn hiệu và kích cỡ cảm biến. Ống kính tốt sẽ có tuổi đời ít nhất là 10 năm và có thể được tái sử dụng qua nhiều lần bạn mua mới body. Ngược lại, ngay sau khi mua, thân máy đã bắt đầu trở nên lỗi thời và có giá trị suy giảm đi khá nhiều.
Mua thân máy đắt tiền rồi sử dụng cùng ống kính chất lượng kém thì cũng chẳng khác gì dùng thân máy dở tệ với ống kính tốt. Ống kính không phù hợp biến tất cả các thế mạnh của body như màu sắc, DOF và độ tương phản trở nên vô nghĩa. Nói tóm lại, bạn cần phải phân bổ chi phí hợp lý cho thân máy và các phụ kiện đi kèm.